Xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp nguy hiểm thế nào?

Xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp là tình trạng có thể gặp phải sau chấn thương mắt. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Nó có nguy hiểm không? Cần làm gì để điều trị hiệu quả?… Eyelink sẽ cùng bạn tìm hiểu trong bài viết.

1/ Nguyên nhân xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp

xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp

Tiền phòng là khoang nằm giữa giác mạc và mống mắt, chứa dung dịch trong suốt được gọi là thuỷ dịch. Thuỷ dịch được tiết ra bởi cơ thể mi nằm sau mống mắt, chui qua lỗ đồng tử để ra tiền phòng. Nó có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cho các thành phần bên trong của mắt.

Vì một lý do nào đó – thường là chấn thương mắt – khiến khu vực tiền phòng bị xuất huyết, xuất hiện máu, làm tăng áp lực bên trong mắt. Ngoài xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp, nó còn có thể dẫn tới chảy máu tái phát và/hoặc ngấm máu vào giác mạc, có nguy cơ gây mù vĩnh viễn.

2/ Xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp có nguy hiểm không?

xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp

Xuất huyết tiền phòng khiến người bệnh đau mắt, nhìn mờ, thậm chí thì lực có thể mờ đến mức không nhìn thấy gì, chỉ còn nhận thức được ánh sáng.

Nhìn chung, xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp thường là tình trạng nghiêm trọng mà bạn cần chú ý. Trong đa số các trường hợp, máu tiền phòng có thể tự hấp thu trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng vẫn có một số trường hợp dẫn tới biến chứng như: dính mống mắt với mặt trước của thuỷ tinh thể hoặc mặt sau giác mạc gây đóng góc tiền phòng, ngấm máu giác mạc, teo dây thần kinh thị giác (thường xuất hiện khi tăng nhãn áp không được điều trị).

Cụ thể, xuất huyết tiền phòng được chia làm 4 độ:

  • Độ 1: lượng máu chiếm 1/3 chiều cao của tiền phòng
  • Độ 2: lượng máu chiếm từ 1/3 đến 1/2 chiều cao của tiền phòng
  • Độ 3: lượng máu lớn hơn 1/2 chiều cao của tiền phòng nhưng chưa chiếm hết tiền phòng
  • Độ 4: lượng máu chiếm toàn bộ tiền phòng

Khoảng 80% bệnh nhân xuất huyết tiền phòng độ 1 và 60% xuất huyết tiền phòng độ 2 có thị lực lớn >= 5/10 sau điều trị. Trong khi đó, chỉ có khoảng 35% bệnh nhân xuất huyết tiền phòng độ 3 và 4 đạt mức thị lực này.

3/ Cách điều trị xuất huyết tiền phòng hiệu quả

Nhìn chung, khi bị xuất huyết tiền phòng thì bạn cần đi khám và tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm một số thông tin sau đây để hình dung rõ hơn.

  • Điều trị nội khoa: người bệnh cần nghỉ ngơi, nằm yên, đầu cao (30 – 45 độ), uống nhiều nước (500ml trong 5 phút, cần chú ý với những người bị bệnh thận, bệnh tim mạch, cao huyết áp…), phối hợp với các thuốc chống viêm steroid, thuốc giảm đau và thuốc hạ nhãn áp… theo chỉ định của bác sĩ. Chống chỉ định NSAID uống và tra vì có thể gây ra chảy máu tái phát.
  • Điều trị phẫu thuật (rửa máu tiền phòng): được tiến hành khi gặp một trong các trường hợp
    • Xuất huyết toàn bộ tiền phòng và đã điều trị nội khoa ít nhất 4 ngày không hiệu quả
    • Xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp > 50mmHg và đã điều trị nội khoa không hiệu quả
    • Có dấu hiệu nhiễm máu giác mạc ở bất kỳ mức độ nào
    • Lượng máu chiếm nhiều hơn 3/4 tiền phòng và nhãn áp >= 25mmHg kéo dài hơn 6 ngày
    • Lượng máu chiếm nhiều hơn 1/2 tiền phòng và kéo dài quá 8 – 9 ngày

Nếu chảy máu tái phát thì bạn cần tái khám bác sĩ nhãn khoa ngay. Lúc này, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định một số loại thuốc như axit aminocaproic 50 – 100 mg/kg, uống 4 giờ một lần (không quá 30 g/ngày) trong 5 ngày hoặc axit transexamic 25 mg/kg uống 3 lần/ngày trong 5 đến 7 ngày để làm giảm chảy máu; thuốc co đồng tử hoặc giãn đồng tử. Trong trường hợp hiếm gặp, chảy máu tái phát gây glocom cần được phẫu thuật lấy máu trong tiền phòng.

Mong rằng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng xuất huyết tiền phòng gây tăng nhãn áp. Nhìn chung, đây là tình trạng sức khoẻ nghiêm trọng mà bạn cần đi khám và tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *