Bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương được không? Cần lưu ý điều gì

Có thể bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương được không, nếu chẳng may bạn bị tổn thương ở da mà ở nhà chỉ sẵn có tuýp thuốc mỡ tra mắt? Câu trả lời là có thể, nhưng cần tùy trường hợp và cần sử dụng đúng cách bạn nhé!

1/ Có nên bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương không?

bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương

Thuốc mỡ là chế phẩm dạng bán rắn, thường được điều chế cùng hỗn hợp tá dược vaselin trắng, lanolin và dầu khoáng nên cho cảm giác nhờn dính giống như mỡ. Nhiệt độ cơ thể sẽ làm thuốc tan chảy và thẩm thấu.

Thuốc mỡ tra mắt là một nhóm nhỏ trong thuốc mỡ và có yêu cầu về tính vô khuẩn, kích thước phân tử… cao hơn dạng thuốc mỡ bôi trên da để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng tại mắt. Còn so với thuốc nhỏ mắt, ngoại trừ việc làm mờ mắt tạm thời thì thuốc mỡ tra mắt cho sinh khả dụng cao hơn nhờ thời gian tiếp xúc tại mắt kéo dài, thuốc ít bị pha loãng bởi nước mắt, không bị loại trừ theo ống lệ…

Vậy có nên bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương không? Câu trả lời là có thể, nhưng tùy trường hợp bạn nhé!

Bôi thuốc mỡ

  • Có thể thay thế thuốc mỡ tra mắt cho thuốc mỡ bôi da cho các vùng da khác trên cơ thể (nhưng ngoại trừ da mặt) khi 2 sản phẩm này có cùng thành phần dược chất
  • Không dùng thuốc mỡ tra mắt trị mụn vì da mặt cũng là cơ quan nhạy cảm

Đặc biệt, thuốc mỡ tra mắt được sản xuất phù hợp với tình trạng nhiễm khuẩn ở mắt, phổ tác dụng thường hẹp. Do đó bạn có thể dùng thuốc mỡ tra mắt để “chữa cháy” cho thuốc mỡ bôi da khi có thể, nhưng sau đó vẫn nên sử dụng thuốc mỡ phù hợp với vùng da bạn đang bị tổn thương nhé.

2/ Lưu ý khi bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương

bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương

Khi bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương, chúng ta cũng cần lưu ý:

  • Chỉ nên thay thế khi 2 sản phẩm có cùng thành phần, hay thành phần trong thuốc mỡ tra mắt dùng được trên vùng da đang bị tổn thương
  • Không tự ý sử dụng thuốc mỡ cho da mặt, trị mụn
  • Không dùng thuốc mỡ trên các tổn thương hở đang ở giai đoạn cấp tính hoặc đang bị chảy nước. Vì hoạt chất kháng sinh, kháng viêm trong thuốc mỡ có thể thẩm thấu qua vết thương và gây tác dụng phụ toàn thân
  • Không tự ý sử dụng thuốc mỡ tra mắt hoặc thuốc mỡ nói chung quá thường xuyên, kéo dài hoặc trên vùng da rộng hơn so với chỉ định, mà nên theo dõi tình trạng bệnh và tái khám để bác sĩ đánh giá và điều chỉnh liều khi cần thiết, ngăn tình trạng kháng thuốc
  • Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai vì thuốc mỡ có thể gây phát ban da hoặc phản ứng dị ứng chậm

Bên cạnh đó, nếu chỉ bị trầy xước da nhẹ thì bạn cũng không cần sử dụng thuốc mỡ nhé. Chúng ta chỉ cần rửa vết thương với nước sạch, thấm khô rồi thoa Betadine hay Povidine để sát trùng. Sau đó để khô tự nhiên, cũng không cần băng lại nếu vết thương không rỉ dịch. Thuốc mỡ kháng sinh, kháng viêm chỉ cần thiết khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn, sưng viêm.

Mong rằng qua bài viết, bạn đã hiểu hơn về việc bôi thuốc mỡ tra mắt vào vết thương có được không cũng như cách sử dụng, thay thế đúng cho thuốc mỡ bôi da thế nào. Đừng quên để lại câu hỏi nếu còn điều gì băn khoăn bạn nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *